Người Tình Havana.
Mình biết đến chị Hằng qua đứa con tinh thần đầu tay của chị. Đó là những dòng tự truyện của cô gái tuổi 26 đầy dũng khí trong hành trình nước Mỹ. Cuộc kiếm tìm bản ngã xuyên suốt từ bờ Đông sang bờ Tây.
Với “Người Tình Havana” mình được gặp lại cô gái năm ấy nhưng đó là một một phiên bản hoàn hảo hơn. Không còn là sự thất thần khi yếu ớt chống chọi lại những cơn đau giày xéo tận đáy tim trong những đêm đen ở Washington, D.C. Không còn nữa những giây phút u uất, vô hồn, đau thấu và đôi chân luôn lăm le muốn nhảy xuống phía đường ray tại nước Mỹ. Vụt lên khỏi đáy sâu của đồ thị cuộc đời, tỉnh thức sau bao sóng gió, truân chuyên. Cô gái mạnh mẽ đã tự tái sinh để sống một tuổi trẻ bừng cháy, không bao giờ phải hối tiếc. Bảy năm sau cuộc tỉnh thức, cô gái ngày ấy đã trở thành người phụ nữ mẫn tuệ với trái tim nồng nàn, luôn rực cháy trong lồng ngực nhưng ý chí thì vẫn luôn vững vàng, kiên định, đủ tỉnh táo và quyết liệt trước những ngã rẽ lựa chọn.
Tại Havana là những ngày tháng tươi mới tràn đầy. Đó là giây phút băng qua con phố Paseo de Prado cổ kính, sắc màu nhưng không kém phần kiều diễm như thuở vàng son. Là giây phút ngắm nhìn cuộc sống thường nhật qua ô kính chiếc xe hơi cũ từ nhiều thập niên trước. Là những ngày rong ruổi theo chuyến bus địa phương. Hương vị của Havana không chỉ gói gọn trong hơi khói nồng của xì gà, vị ngậy thơm của ly cà phê. Tại Havana qua ngòi bút của “cô ấy” tôi như thấy một góc nhỏ của đời sống Việt Nam trong thập niên bao cấp những năm 80. Một thời tem phiếu, người ta chỉ mơ mặc ấm không dám mơ mặc đẹp. Chỉ dám ước ăn no, không mong cầu ăn ngon. Bức tranh Cuba và Havana qua câu chữ của tác giả được tái hiện ngồn ngộn với đầy đủ hương vị, thanh âm và những gam màu đối lập nhưng đầy dư vị. Phố cổ Havana vừa nguy nga, huy hoàng, rực rỡ và luôn hiện hữu song hành cùng với đó là những góc tối mang đầy vẻ nhếch nhác, thô lậu nhưng đầy sự mê hoặc khó ngờ. Tại quốc đảo bên vịnh Caribe, nơi mà nhiều người bản địa nuôi ước vọng muốn ra đi, thì cũng có nhiều sự cuốn hút đầy mộng ảo khiến trái tim con người ta thổn thức. Nơi mà khách du lịch còn được coi trọng hơn người dân bản xứ. Quốc gia với những bác sĩ, công chức, kỹ sư rất “đa năng, đa nghề” nhằm kiếm thêm kế sinh nhai. Tại hòn đảo “không có cá”, bị cấm vận và thiếu lương thực vẫn chan chứa nhiều hương vị khiến tâm hồn con người ta no đủ. Những khu phố suy tàn, cũ kỹ, xập xệ nhưng vẫn hút mắt kẻ lang thang với những công trình mang phong cách chiết trung đầy tinh tế. Hoàng hôn tại Havana cũng huyền hoặc như bao nơi khác trên hành tinh này. Và hoàng hôn ấy rồi cũng sẽ mau tan. Sắc trời chạng vạng rồi màn đêm buông, thành phố lên đèn với những ánh đèn cam vàng rót xuống từng góc phố khiến thành phố mang đầy vẻ long lanh, hoa lệ. Havana xanh trong màu nước biển, cùng với những tàn tích còn sót lại của pháo đài Moro - Cabana nổi lên sừng sững phân cách bầu trời và mặt biển.
Nhưng bạn cũng đừng quá mải mê ngắm nhìn cảnh sắc Havana mà bỏ lỡ những chiêm nghiệm máu thịt đầy giá trị của tác giả. Không đơn thuần chỉ là một cuốn nhật ký xê dịch. “Người Tình Havana” với đủ vị từ ngọt ngào tới sâu cay thống khổ như thấm đượm qua từng dòng tự truyện của tác giả. Thế gian bảy tỉ người, gặp được mối nhân duyên cách xa nửa vòng trái đất quả thực không dễ dàng. Những hè rực cháy trong tình yêu ở Havana, cùng với bao gió sương cuộc đời đã nếm trải, thế giới quan trong cô gái ấy lại rộng mở thêm nhiều phần. Nhiệt huyết, nội lực phía bên trong sức sống mạnh mẽ ấy, ngày qua ngày được hun đúc theo cấp số nhân để rồi giúp cô gái ấy định hình rõ hơn về mục đích sống. Cô ấy luôn phân định rạch ròi giữa được và mất của một vấn đề trước khi đưa ra lựa chọn. Và chính những điều đó như máy sạc tâm hồn tiếp thêm năng lượng cho những năm tháng tuổi trẻ rực cháy đến tận cùng. Dẫu có đôi chút ngông nghênh, điên dại nhưng tuổi trẻ ấy thật đáng nhớ. Những ngày tháng ở Havana, cũng giống như bản điệp khúc của thanh xuân, có nốt thăng thì vẫn sẽ không thể thiếu được nốt trầm. Hạnh phúc và bất hạnh cũng theo quy luật như vậy. Những sự việc xảy đến dẫu có dưới hình thức của một bất hạnh thì cô gái ấy vẫn thầm biết ơn. Bất hạnh khiến cô gái ấy trân quý hơn những giây phút hạnh phúc, khiến cô ấy chiêm nghiệm ra rằng hai hạnh phúc thì tốt hơn một bất hạnh, nhưng hai vũ trụ cô đơn thì sẽ chẳng bao giờ gặp được nhau. Dẫu có những chuyện buồn vui xảy đến trong những ngày ngắn tại Havana thì dòng chảy cảm xúc trong cô gái ấy vẫn tuôn trào như thác đổ, adrenaline vẫn chạy dọc huyết quản. Sau bao sóng gió mọi chuyện vẫn ổn và cô gái ấy vẫn an yên ngồi viết những dòng chữ về Havana. Ngày mai trời vẫn xanh, phía trước sẽ vẫn trải dài như con đường xuyên biển chạy thẳng tới Cayo Coco. Đọc tới dòng cuối, gấp nhẹ bìa sách lại và trong tâm thức của tôi vẫn khắc sâu câu nói: “Cuộc sống này là một hành trình, dẫu có thể dài, nhưng cưng vẫn phải bước"
Sau bảy năm thì cô gái ấy thật giàu, giàu về trải nghiệm, giàu những xúc cảm, giàu lòng trắc ẩn. Đôi chân của cô ấy chắc hẳn rất hạnh phúc khi được chạm lên những con phố tại Havana. Có lẽ đây là cuốn sách dành cho tôi, dành cho bạn và cũng dành cho nhiều tâm hồn khao khát được yêu, khao khát ngắm nhìn thế giới, mê đắm những cung đường như người tình.
Cảm ơn chị Hằng! Cảm ơn “Quá Trẻ Để Chết”! Và cảm ơn “ Người Tình Havana”!
Mong rằng tôi sẽ sớm tìm được "Havana" của đời mình.
Đường link dẫn lối tới Havana gặp người tình nhé các bạn:
#reviewngườitìnhhavana #ngườitìnhhavana #ĐinhHằng
Nhận xét