Ngày Trôi Chậm Tại Ayutthaya

Ayutthaya vào một ngày đầy nắng. Cách Bangkok khoảng 70 km với hơn 1 tiếng ngồi xe. Mảnh đất cố đô là một khoảng trời riêng đầy dung dị, thanh bình. Thay vì chỉ dành vỏn vẹn 24 tiếng để khám phá Ayutthaya như số đông mọi người, tôi nán lại mảnh đất này 2 ngày để nhìn ngắm thêm những góc nhìn đa chiều hơn.


1. Đôi dòng về Ayutthaya.
Vương triều Ayutthaya được hình thành và phát triển trong khoảng thời gian từ năm 1351 đến năm 1767. Trong thời kỳ cực thịnh vương triều đã từng đánh chiếm, mở rộng lãnh thổ sang tận Angkor, khiến người Khmer phải bỏ chạy về Phnom Penh. Diện tích lãnh thổ của vương triều Ayutthaya gần tương đồng với lãnh thổ Thái Lan hiện nay (chỉ thiếu vùng Lan Na - với kinh đô tại Chiang Mai). Là một hòn đảo nằm tại nút giao của 3 con sông, trong đó có sông Chao Phraya nối liền thành phố với biển. Sở hữu vị trí chiến lược, cùng với những chính sách mở rộng thông thương, Ayutthaya nhanh chóng trở thành thương cảng quốc tế tấp nập, thu hút nhiều thương nhân đến từ Nhật, Châu Âu. Nhưng thuở vàng son chỉ kéo dài khoảng 4 thế kỷ. Năm 1767 Ayutthaya thất thủ trước sự tấn công của đạo quân người Miến. Ngôi thành vững chãi sau bao năm dày công gây dựng đã bị thiêu rụi trong phút chốc. Nhiều đền, đài, tượng phật bị phá huỷ. Người Thái luôn tự hào vì vương quốc của họ được mệnh danh là "vùng đất tự do". Nhưng cuộc đánh chiếm của người Miến có lẽ chính là một nốt trầm duy nhất, là nỗi buồn nhỏ trong câu chuyện lịch sử của người Thái. Thế kỷ 18 người Thái rời đô về Bangkok. Mảnh đất cố đô dần đi vào dĩ vãng. Sang tới thế kỷ 20 chính phủ Thái Lan lập công viên Ayutthaya, duy trì các tàn tích. Khu vực này được UNESCO công nhận là Di Sản Văn Hoá Thế Giới. Những tàn tích còn sót lại của vùng đất cố đô vẫn đủ để người ta phải trầm trồ, choáng ngợp trước sự giàu mạnh, thịnh trị của một vương triều. Tại Ayutthaya là sự hiện diện của hằng hà sa số những ngọn tháp vươn tới trời xanh, là những bức tượng phật nhập Niết bàn, là những công trình tâm linh một thời vang bóng. Thị trấn Ayutthaya ngày nay tập trung xung quanh khu cổ thành, với địa vị là thủ phủ của tỉnh Ayutthaya cùng tên. 

 2. Tới Ayutthaya bằng cách nào?
Có vô vàn lựa chọn dành cho bạn. Bạn có thể đi xe bus từ bến xe Mochit, đi xe lửa từ nhà ga Hua Lam Phong hay đi xe mini Van. 




3. Di chuyển tại Ayutthaya. Thị trấn Ayutthaya không quá lớn và những điểm tham quan khá gần nhau nên bạn có thể thuê xe đạp để trải nghiệm nhịp sống thư thả tại nơi đây.  
4. Nơi lưu trú: Nếu lựa chọn nán lại mảnh đất cố đô như tôi bạn có thể cân nhắc hostel Busaba - gần công viên Rama. Được thiết kế theo lối kiến trúc của người Thái, decor khá dễ thương. Tầng 1 có quán coffee kiêm luôn quán ăn. Đặc biệt hostel có dãy bàn để ăn sáng, ngồi cafe bên bờ sông Lopburi yên bình. Về cơ bản thị trấn Ayutthaya không quá lớn nên việc bạn ở khu vực nào cũng không quá quan trọng. 









5. Ngày trôi chậm tại Ayutthaya. 
- Công Viên Rama, Wat Mahathat, Wat Pra Sri Sanphet. Chiếc xe mini van dừng ngay tại lối vào công viên Rama. Tôi nhập vào đoàn người tham quan khuôn viên. Những cành cây khô đổ bóng xuống con đường gạch, những bức tường phai màu và đổ vỡ, những bức tượng phật rêu phong cùng những ngọn tháp trầm mặc đứng sừng sững, hiên ngang giữa nền trời xanh. Dạo qua ngôi đền Wat Mahathat, tôi lặng lại một hồi trước hình ảnh đầu tượng phật được gắn trong gốc cây sung. Người ta nói, thời kỳ bị quân đội Miến Điện đánh chiếm phần lớn những bức tượng phật không còn nguyên vẹn nữa, thậm chí có những bức tượng bị “mất đầu”. Và một ai đó đã gắn đầu của một tượng phật bị phá huỷ vào thân cây sung kia. Kể từ đó đầu tượng phật cũng như thân cây được người Thái gìn giữ và xem như nơi thờ cúng linh thiêng. Bước ra khỏi công viên tôi dạo bước về hostel và có đi ngang qua ngôi đền Wat Pra Sri Sanphet. Vẫn là những ngọn tháp cũ sờn, vẫn là những phế tích sau cuộc chiến với người Miến Điện. Nơi đây có chứa di hài của vua Borommatrailokanat, vua Borommarachathirat III và vua Ramathibodi II. 












 - Wat Phanan Choeng. Buổi chiều, rời hostel tôi đạp xe tới ngôi đền Wat Phanan Choeng nằm tại ngã ba sông Chao Phraya và sông Pa Sak. Ngôi đền nổi bật với sắc đỏ cùng lối kiến trúc của người Hoa. Những người Thái cũng như người Hoa luôn hết lòng tôn sùng sự linh thiêng của ngôi đền đối với việc làm ăn của họ. Những dòng người hành hương hiếm khi nào ngớt, từng lớp nhang khói trắng mờ vẫn nhẹ nhàng bay lên. Những cánh chim buổi chạng vạng phủ kín khoảng trời, in bóng xuống mặt nước êm ả khu ngã ba sông. Những chiếc thuyền chở từng đoàn khách tham quan ra vào tại bến đỗ. 







 - Sala Ayutthaya: Rời ngôi đền bên bờ sông, tôi đạp xe tới Sala Ayutthaya. Là một khách sạn kiêm luôn nhà hàng, quán bar. Nơi này khá lý tưởng để ngắm ngôi đền Wat Phutthai Sawan, ngắm sông Chao Phraya trong ánh hoàng hôn. Nhà hàng tại Sala khá mắc, rất đông và thường phải đặt trước. Bởi vậy không khuyến khích mọi người tới đây trải nghiệm ẩm thực. Giải pháp kinh tế hơn là bạn có thể lên tầng 3 của khách sạn có 1 quán bar nhỏ xinh để bạn có thể ngắm sông Chao Phraya cũng như ngôi đền Wat Phutthai Sawan. Tôi có gọi một trái dừa (giá 235 bath - vẫn khá mắc). 









- Chao Phrom Market. Màn đêm buông tôi đạp xe tới chợ Chao Phrom Market để ăn tối. Hàng hoá, ẩm thực không quá đặc biệt. Tôi thường đến những khu chợ địa phương với mong muốn đơn giản là để nhìn ngắm sắc màu cuộc sống của người bản địa một cách chân thực nhất. Tại Ayutthaya, khoảng 8h tối hầu hết các hàng quán bắt đầu đóng cửa (trừ mấy cửa hàng tiện lợi). Không xô bồ, ồn ào như Bangkok về đêm, mảnh đất cố đô trầm lặng trong đêm đen. Ngày trôi chậm tại Ayutthaya dần khép lại. 

 - Wat Thammikarat: Buổi sáng ngày thứ 2 rực nắng, tôi đạp xe tới ngôi đền cổ mang tên Thammikarat. Vẫn là những tàn tích đỏ gạch, những pho tượng mất đầy, những bức tượng hình gà trống đầy sắc màu và uy nghiêm. Phía sau bức tường gạch của ngôi đền là khu vườn lớn với những ngọn cây khô đầy ma mị, những bức tường thành theo lối kiến trúc khá tương đồng với thành cổ Chiang Mai hay thành cổ Mandalay, những ngọn tháp phai màu theo dấu thời gian. Tôi đi dạo khá lâu trong khu vườn, những ngọn cỏ khô khẽ rung trong gió, tiếng kinh cầu vang vọng trong thinh không. Tôi tạm ngồi xuống gốc cây khô, nghe lòng an yên giữa chốn thanh tịnh. Khoảnh khắc đó có lẽ tâm hồn tôi lại một lần nữa được gội rửa bụi trần. 












- Wat Lokayasutharam Ngôi chùa phật giáo sở hữu pho tượng phật lớn nằm ngoài trời, dưới nắng và gió. Không khí tại ngôi chùa luôn trang nghiêm, thanh tịnh. Vào cuối chiều người Thái gác lại công việc và tới ngôi chùa để dâng sen khá đông. Và khi đêm buông, bức tượng phật nhập Niết bàn vẫn ở đó cùng với những vì sao trên bầu trời. Ngày thứ 2 tại Ayutthaya vẫn là một ngày trôi chậm. 


Tại nơi đây, mọi thứ như ngưng đọng, kể cả thời gian cũng vậy. Nhưng cuối cùng thì ngày cũng đã tàn. Leo lên chiếc xe mini van, tôi trở lại Bangkok. Ngày tháng tại mảnh đất cố đô Thái Lan vẫn sẽ là một màu ký ức đẹp và khó phai trong tâm thức của kẻ yêu sự bình yên.