Cửu Phần, Thập Phần - về miền cổ tích xứ Đài.

Cửu Phần, Thập Phần 2 điểm nhấn trong hành trình Đài Bắc. Theo Wind nếu bỏ qua 2 điểm đến này thì thật sự chuyến đi của bạn sẽ khó mà trọn vẹn được. 



1. Cách di chuyển:
Chiều đi:
TaiPei – Jiufen: Wind Đi MRT đến trạm Zhongxiao Fuxing, ra ở cửa Exit 2 đi ngược lại đến ngã tư rẽ phải là sẽ thấy ngay trạm xe bus 1062 ngay trước cửa SoGo center. (Có một số bài review trước đây có nói tới trạm MRT Zhongxiao Fuxing, ra ở cửa Exit 1 rồi đi ngược lại đến ngã tư đầu tiên thì rẽ trái, tiếp tục đi thẳng đến điểm đón xe bus số 1062 trạm xe bus này đã được thay thế bởi trạm dừng ngay cạnh SoGo mà Wind đi các bạn nhé - cách khoảng 300m) xe bus sẽ dừng ngay phía dưới cửa hàng 7/11 của ngôi làng Jiufen.
Ngoài cách di chuyển của wind thì bạn cũng có đi tàu từ ga trung tâm Taipei tới trạm Riufang rồi bắt xe bus hoặc taxi tới cửu phần. Như trong hình:
Jiufen - Shifen: Quay trở lại 7 eleven đi ngược lên phía trên đồi bạn sẽ thấy điểm đón xe bus 1062 ngược về ga Riufang.


Từ ga Riufang Wind đi tàu tới ga Shifen lưu ý 1 tiếng mới có 1 chuyến, nên để không ảnh hưởng đến lịch trình các bạn nên chụp lại giờ tàu chạy nhé. Trên đường tới Shifen bạn có thể xuống trạm Houtong thăm quan ngôi làng cổ tích của những nàng mèo. 
Chiều về:
Shifen - TaiPei: Wind đi tàu theo chiều ngược lại tới trạm Riufang rồi mua vé tàu về ga trung tâm TaiPei. (Bạn cũng có thể áp dụng cách này cho chiều đi từ Taipei đến Shifen) Để thực hiện hành trình trên Wind có sử dụng 2 app: Google Map và Taiwan Rail (trên android) - Transit Maps (trên ios)
2. Làng cổ Cửu Phần (Jiufen)
Nằm ở phía đông bắc thuộc quận Thụy Phương - thành phố Tân Bắc của Đài Loan. Ngôi làng nằm men theo triền núi và hướng ra biển. Chốn sơn thủy hữu tình là đây.



Làng cổ Cửu Phần có bề dày lịch sử hàng trăm năm. Tương truyền từ thời nhà Thanh nơi đây có 9 hộ gia đình tới định cư. Vì giao thông thời đó chưa phát triển nên mỗi khi cần mua hàng hóa, cung ứng thực phẩm đều thông qua các ghe thuyền đường biển và người dân thường đặt mua 9 suất. Cái tên Cửu Phần bắt đầu từ đó. Ngày nay số lượng hộ dân đã tăng lên rất, rất nhiều nhưng cái tên Cửu Phần thì vẫn không đổi.
Năm 1893, người ta bắt đầu phát hiện được những mỏ vàng tại vùng đất này. Và công cuộc khai thác vàng được đẩy mạnh vào thời kỳ 1895 đến thế chiến thứ 2 do quân phiệt Nhật thực hiện. Công cuộc khai thác và cai trị này của Nhật cũng kéo theo hệ quả khiến Cửu Phần từ một làng nhỏ, nghèo nàn và lạc hậu thành một thị trấn sầm uất với số dân tăng lên nhanh chóng. Và cũng vì từng là thuộc địa của Nhật trong suốt 50 năm nên những ngôi nhà tại Cửu Phần sẽ là sự pha trộn giữa kiến trúc Trung Hoa và Nhật Bản với những cánh cửa lùa, sàn nhà lát gỗ. Nét văn hóa tại nơi đây cũng là giao thoa giữa văn hóa Trung Hoa và Nhật Bản. Nhưng đó cũng là chất riêng của Cửu Phần. Từng là bối cảnh của một số bộ phim của Nhật Bản và Đài Loan. Hình ảnh ngôi làng đã gây ấn tượng cho lữ khách Đài Loan cũng như nhiều quốc gia Châu Á từ đó. Bắt đầu từ những thập niên 90 Cửu Phần được chính phủ Đài Loan đưa vào khai thác du lịch. Cửu Phần gây ấn tượng cho Wind từ những bậc thang từ đá gra- nit nhỏ hẹp, hai bên đường là hàng quán san sát đông nghẹt khách du lịch. Những ngôi nhà cổ xếp tầng tầng, lớp lớp. Những quán trà đạo đỏ rực sắc đèn lồng.




Ngoài con đường chính chạy dọc xuyên suốt theo sườn núi (Thụ Kỳ Lộ) thì còn hai con đường song song cùng cắt ngang qua đó là Cổ Sơn Nhai và Khinh Tiên Lộ. Trên hai con đường này có nhiều trà quán, hiệu bánh, tiệm ăn, rạp hát, nhà bảo tàng về khai thác vàng, phòng triển lãm nghệ thuật dân gian Cửu Phần, vài ngôi chùa và miếu thờ Thành hoàng.
Để chống chọi với gió biển và mưa bão những ngôi nhà tại đây được xây dựng từ đá và gạch rất vững chắc. Mái nhà thường gồm hai lớp và được phủ lên một lớp dầu hay sơn gì đó có nguồn gốc từ thảo mộc có màu đen với công dụng chống thấm. Ẩm thực của Cửu Phần cũng là một thứ khiến người ta dễ sa ngã. Với vô vàn những món ăn đặc trưng của Đài Loan cũng như Nhật Bản nơi đây thật dễ chiều lòng những thực khách. Wind có nếm thử món đậu hũ thúi và xúc xích ăn kèm với tỏi, tuy không quá xuất sắc nhưng hai hương vị này cũng khó lòng mà quên được. Tại những hàng quán tại Cửu Phần bạn cũng rất dễ gặp gỡ được những đồng hương người Việt đang sinh sống và làm việc tại đây.

Tới Cửu Phần trong tiết trời tháng 3, đi dọc những con đường của Cửu Phần bạn sẽ được thưởng ngoạn những sắc hoa mọc men theo sườn núi, những cành anh đào vẫn còn vương sắc hồng. 




Bạn hãy thử tưởng tượng mình đang rảo bộ trên triền núi, có chút gió nhẹ thổi từ biển hòa cùng màn sương mỏng có phần se lạnh nhẹ giăng lối. Lúc này dừng chân bên quán trà, nhấp ngụm trà ô long còn đang bốc hơi nghi ngút trên tay. Vừa thưởng trà, vừa thưởng cảnh thật sự kích thích các giác quan lắm đúng không. Cuộc sống đôi khi chỉ cần những phút giây yên bình như vậy thôi là đủ mãn nguyện rồi phải không?
3. Làng cổ Thập Phần.
Chuyến tàu từ ga Riufang đưa Wind tới làng cổ Thập Phần - ngôi làng của những ước nguyện.


Thập Phần cũng có bề dày lịch sử khá tương đồng với Cửu Phần. Trong quá khứ, nơi đây cũng từng bị Nhật chiếm đóng và trở thành khu khai thác than và cũng chính là tuyến đường sắt chính để vận chuyển than đá. Thập Phần bắt đầu phát triển hưng thịnh từ đó. Hiện nay công nghiệp than không còn được đẩy mạnh như trước nữa mà thay vào đó, nguồn thu chính của ngôi làng đến từ du lịch. 


Thập Phần mang nét hoài cổ từ những con đường, hẻm nhỏ đến kiến trúc những ngôi nhà. Ngoài chức năng kết nối giao thông thì đường ray Thập Phần chính là nơi diễn ra hoạt động thả đèn trời của người dân địa phương cũng như khách du lịch. Những chiếc đèn sắc màu bay lên đem theo những ước nguyện bay cao. Mỗi màu sắc sẽ mang một ý nghĩa khác nhau như gia đình, tình yêu, tiền tài, thành công, sức khỏe…  Giá dịch vụ một chiếc đèn tứ sắc với giá khoảng 200 Đài Tệ, đèn đơn sắc khoảng 150 Đài Tệ. Mỗi khi tàu gần tới nơi mọi hoạt động thả đèn tạm hoãn, mọi người đứng dạt sang hai bên nhường lối cho đoàn tàu. Đoàn người 2 bên cùng mỉm cười vẫy chào đoàn khách trên chuyến tàu băng qua. Người dân xứ Đài họ dễ thương và mến khách vậy đó. Những lớp người mỗi lúc thêm dày hơn, những sắc đèn lồng vẫn nối tiếp nhau đưa những ước nguyện bay cao.

Men theo dải đường sắt, Wind đi dạo quanh ngôi làng, dọc theo sườn núi, băng qua những cây cầu treo và tới thác Thập Phần. Dòng thác trắng xóa đổ xuống mặt hồ xanh biếc. Thật sự thì thác nước không quá nổi bật so với những thác nước Wind từng thấy tại Việt Nam nhưng có lẽ từ những giá trị hoài cổ, từ những bản sắc văn hóa rất riêng mà Thập Phần đã thu hút và níu kéo trái tim của những lữ khách. 





Có lẽ tới Cửu Phần để tìm những khoảng không bình yên, tới Thập Phần để ngược dòng tìm lại những giá trị quá khứ.

Nhận xét