Bến Quê Mandalay

Mandalay vùng đô thị lớn thứ hai tại Myanmar, sở hữu cây cầu gỗ tếch dài nhất thế giới mang tên U Bein cùng với nhiều đền đài, di tích lịch sử mang tầm quốc gia.

Một ngày rong ruổi tại Mandalay tôi có trải nghiệm hai ngôi chùa nổi tiếng thuộc khu Mingun nằm phía bắc Man Dalay:
- Chùa Hsinbyume: được vua Bagyidaw xây dựng năm 1816 để tưởng nhớ hoàng hậu quá cố của ông. Một biểu tượng của tình yêu trường tồn và khiến dân chúng tôn sùng cũng như khách du lịch phải trầm trồ, ngợi khen.







- Chùa Mingun Pagoda: nằm trên đường tới chùa Hsinbyume mang một hơi hướng kiến trúc cổ kính, trầm mặc cùng với những vết rạn, nứt do những chấn động cùng với thời gian. nơi này chỉ còn là tàn tích nhưng rất đáng để bạn khám phá. Một trải nghiệm bạn có thể lưu tâm khi tới đây đó là leo lên đỉnh của ngôi đền phóng tầm nhìn bao quát ngôi làng Mingun cùng với dòng sông Ayeyarwady.




Khi tới tham quan hai ngôi đền bạn sẽ phải mua vé tham quan giá 5.000 kyat/ người, chỉ có giá trị trong 1 ngày. Cách trung tâm thành phố Mandalay khoảng 40km, nếu đi nhóm đông bạn có thể thuê xe hoặc grab theo giờ hoặc nguyên ngày. Nhưng theo mình thì cách di chuyển kinh tế nhất và cũng thú vị nhất là bạn nên tới bến thuyền Mingun Jetty rồi mua vé đi thuyền qua Mingun với giá 5.000 kyat/ người/ khứ hồi. Thuyền chạy khoảng 1 tiếng thì tới bờ bến bên kia. Buổi sáng có chuyến cố định vào 9 giờ sáng và khi bạn mua vé trên vé họ sẽ ghi luôn giờ thuyền chạy chuyến ngược lại (thông thường khoảng 12h30- 13h).




Bạn có thắc mắc tại sao tôi để tựa đề phần này là :” Bến quê Mandalay” không?
Có vẻ khá mâu thuẫn và có gì đó sai sai với đặc trưng của vùng đô thị miền trung Myanamr đúng không?
Đặt tiêu đề như vậy bởi tôi ấn tượng với cái bến sông Mingun. Sau một tiếng xuôi dòng Ayeyarwady tôi đặt chân tới bến sông Mingun. Trước mắt tôi là bến sông với bãi bồi màu mỡ, những dải hoa màu xanh mượt. Những chiếc thuyền nhỏ ven sông. Những ngọn cây cao đổ bóng xuống mặt đất. Khung cảnh an yên, dung dị này khiến tôi liên tưởng tới bến quê trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Dòng sông Ayeyarwady cũng thân thuộc và yên bình như dòng sông quê hương. Cái bến sông Mingun kia cũng đơn sơ, mộc mạc nhưng đẹp lạ như bến sông được miêu tả trong đoạn trích. Nhớ hồi học tác phẩm này tôi không thể nào yêu thương nổi vì nó thực sự quá tải đối với cái đầu óc non nớt của một đứa trẻ 15 tuổi. Nhưng sau này khi đã đi nhiều nơi, trải nghiệm nhiều hơn, thu nạp nhiều kiến thức hơn và thế giới quan được mở rộng hơn thì tôi mới bắt đầu thấm nhuần từng câu chữ trong tác phẩm đó. Và tôi cũng bắt đầu sợ, sợ vì một ngày nào đó sức khoẻ không cho phép tôi đi đến nhiều nơi, đôi chân cằn cỗi không thể đưa tôi đặt chân tới nhiều vùng đất mới. Càng sợ tôi càng cố gắng đi và trải nghiệm nhiều hơn khi còn có thể. Lan man, tản mạn vậy thôi. Cái bến sông bình thường này gợi đến trong tôi nhiều cảm xúc đặc biệt vậy đó.







Buổi chiều trở về trung tâm Mandalay, đôi chân trần tiếp tục bứoc đi trong khuôn viên ngôi chùa Kuthodaw với đỉnh chedi dát vàng ngời sáng trong nắng chiều, nổi bật giữa những ngọn tháp nhỏ trắng tinh khôi xung quanh khuôn viên chùa.











Hoàng hôn dần buông, tôi cũng vừa kịp tới cầu gỗ tếch U Bein. Tại cây cầu gỗ này những đường chân trời mịn màng như nhung. Sắc trời đỏ rực pha ánh cam và chuyển dần sang sắc thái ửng hồng đầy mê hoặc. Khoảnh khắc đó thu hút ánh nhìn của hàng ngàn đôi mắt đắm say. Những ảo ảnh in hình trên mặt nước như tan dần theo những vệt nắng. U Bein trở thành cầu nối của thế giới thực và ảo. Một ngày tại Mandalay của tôi kết thúc bởi một chiều hoàng hôn đầy mộng mị, huyền hoặc.















Buổi sớm ngày hôm sau, trước khi đón chuyến xe tới Bagan tôi dậy sớm tranh thủ thả bộ dọc hoàng cung, đón những tia nắng sớm mai đang le lói xuyên chiếu qua những tán cây. Những bức tường thành vững chãi, sừng sững và gần như vẹn nguyên theo thời gian. những bức tường này được xây dựng theo lối kiến trúc khá tương đồng với thành cổ ở Chiang Mai. Cũng giống như bao toà thành khác, bao quanh tường thành là hào nước. À, đây phải là hồ nước mới đúng. Dọc quanh bờ hồ, cũng như khuôn viên dọc tường thành những hoạt động thể dục, chào ngày mới của người dân bản địa diễn ra sinh động và chân thực hơn bao giờ hết. Có những thời điểm dễ dàng đón nhận một điểm đến vào ngăn chứa của trái tim chính là khi ngắm nơi đó chuyển mình vào sớm mai và tạm biệt ánh mặt trời vào lúc chiều tàn. Hành trình chạy theo ánh mặt trời vẫn là một hành trình đẹp và đáng trải nghiệm nhất dù là ở bất cứ nơi nào chứ không chỉ riêng Bagan hay Mandalay.